Ứng dụng công nghệ AI: Cơ hội đầy hứa hẹn trong lĩnh vực xuất bản
VHO - Công nghệ đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hình ngành xuất bản hiện đại. Nắm bắt và tận dụng tiềm năng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành sách Việt Nam ngày càng gia tăng, giúp lĩnh vực này theo kịp xu thế và phát triển bền vững trong thời đại số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất bản Ảnh: ITN
Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng AI
Trong kỷ nguyên công nghệ ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang chuyển đổi cách chúng ta sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản. Việc đưa AI vào quá trình xuất bản sách không chỉ tăng cường sự sáng tạo mà còn mang lại những lợi ích to lớn về hiệu quả. Bởi vậy, ở nhiều quốc gia, AI đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành xuất bản, các hệ thống tự động soạn thảo giúp tác giả tạo nội dung nhanh chóng và hiệu quả. Một số đầu sách, thậm chí là bestseller, được tạo ra hoàn toàn bởi máy móc. Ngoài ra, AI còn giúp tối ưu hóa quảng cáo sách thông qua phân tích dữ liệu người đọc. Nhờ vào khả năng dự đoán xu hướng và nhu cầu độc giả, NXB có thể xây dựng chiến lược tiếp thị và quảng bá, đồng thời tối ưu hóa nội dung để thu hút công chúng.
Tại Việt Nam, ứng dụng AI trong lĩnh vực xuất bản đang ngày càng phát triển. Một số NXB đã ứng dụng trong công tác biên tập nội dung; chuyển từ sách in sang sách nói (audio book) với các giọng đọc khác nhau, phù hợp với mọi đối tượng ở các vùng miền, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của ngành xuất bản. Một số đơn vị đã sử dụng chatbot AI để tương tác với độc giả, cung cấp thông tin về sách và tư vấn đọc. Điều này tăng cường trải nghiệm đọc và tạo ra kênh tiếp cận mới cho các đầu sách...
Tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản NXB năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, chuyển đổi số là cơ hội đầy hứa hẹn để lĩnh vực xuất bản đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả. Trong năm qua, cơ quan chủ quản và các NXB đã phối hợp tích cực chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ xuất bản điện tử. “Bộ TT&TT hỗ trợ thí điểm ứng dụng AI vào hoạt động xuất bản, cụ thể, phối hợp với NXB TT&TT và Công ty WAKA triển khai Chat GPT hỗ trợ cho công tác biên tập tại NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; xây dựng cổng thông tin kết nối giữa các NXB và các cơ quan báo chí (11 cơ quan báo chí lớn) để cung cấp thông tin về sách và xuất bản, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về sách”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Đến nay, Bộ TT&TT đã cấp xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho 24 NXB, tăng 5 đơn vị so với năm 2022, đưa số lượng NXB được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử tăng từ 33,6% lên 42,1%. Phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung, đưa số lượng các đơn vị dùng chung nền tảng lên 23 đơn vị…
Yêu cầu tất yếu đổi mới ngành xuất bản
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng: Từ đòi hỏi thực tiễn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra, có thể thấy, đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số và ứng dụng thành tựu kỹ thuật số vào hoạt động xuất bản là yêu cầu tất yếu nhằm đổi mới phương thức hoạt động, quản lý theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ hiện đại và tài nguyên nội dung số, thúc đẩy ngành xuất bản phát triển trong bối cảnh mới.
Ông Lâm nhận định, để triển khai một cách khoa học, phù hợp và hiệu quả việc chuyển đổi số hoạt động xuất bản, yếu tố quan trọng cơ bản cốt lõi mang tính quyết định chính là nguồn nhân lực. Bởi vậy, cần thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ kỹ thuật số, tăng cường hiểu biết về trí tuệ nhân tạo và công nghệ truyền thông mới cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, đồng thời khuyến khích họ làm chủ công nghệ xuất bản kỹ thuật số. Cán bộ, biên tập viên cần được giáo dục, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, thích ứng với việc chuyển mình từ xuất bản truyền thống (xuất bản và cung cấp ấn phẩm in ấn) sang nhà cung cấp dịch vụ tri thức.
Còn theo đại diện NXB Khoa học Kỹ thuật, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho sự phát triển của loại hình sách điện tử. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa có NXB nào xây dựng được hệ thống xuất bản trực tuyến đồng bộ. Một số hệ thống của các công ty phân phối sách điện tử tuy đã được triển khai và đang hoạt động nhưng còn có giới hạn nhất định về công nghệ trong việc bảo vệ quyền tác giả. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, một số NXB đang phối hợp với các chuyên gia và các công ty công nghệ thông tin hàng đầu để nghiên cứu, xây dựng một hệ thống xuất bản trực tuyến hiện đại, trong đó có các chức năng: Hỗ trợ công tác sản xuất tạo sách điện tử theo các cấp độ và định dạng khác nhau, tương thích với các thiết bị đọc phổ biến hiện nay; quản lý và phân phối sách điện tử; hệ thống phần mềm bảo vệ nội dung và quyền tác giả…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số không phải kinh phí đi đầu, mà việc cần làm trước là các đơn vị tạo dữ liệu, xây dựng sản phẩm “may đo” cho mình, để đặt hàng công ty công nghệ. Trong thời gian tới, ngành Xuất bản hướng tới xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ biên tập, sửa lỗi bản thảo, tăng cường hiệu năng của các nền tảng điện tử và nền tảng phát hành chung. Đặc biệt ở đây chuyển đổi số phải gắn kết hình thức xuất bản số, với hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, gắn kết hành vi của người tiêu dùng số trên không gian mạng đến với sách…
Thời gian tới, các đơn vị xuất bản cũng hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tận dụng số hóa, chuyển đổi số kịp thời để tạo ra các sản phẩm xuất bản chất lượng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả; tạo những tiện ích tốt nhất trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm; chú trọng công tác truyền thông để thúc đẩy văn hóa đọc.
TRUNG NGHĨA